12 mins read

TRỒNG CỎ TRONG THIẾT KẾ CẢNH QUAN

Ngày nay, phong cách thiết kế cảnh quan hiện đại được ưa chuộng đưa vào nhiều công trình vì tính đơn giản, tinh tế của nó. Thảm cỏ là một phần không thể thiếu trong cảnh quan hiện đại, vì nó tạo được sự kết nối giữa các chi tiết trong khu vườn, làm cho khu vườn trông có vẻ rộng rãi, thoáng đãng, đồng thời mang đến một không gian xanh mướt, liên tục, làm dịu đi cái nhìn của con người.

trong-co
Có rất nhiều loại cỏ thường được trồng trong sân vườn hiện đại như: cỏ nhung, cỏ lông heo, cỏ lá gừng, cỏ xuyến chi, cỏ đậu phộng … và tùy vào khu vực sân vườn, cũng như theo sở thích , khả năng của gia chủ mà chúng ta sẽ lựa chọn loại cỏ trồng cho phù hợp.
trong-co-2
Chúng tôi xin chỉ dẫn sơ qua cho các bạn hiểu về các loại cỏ, khu vực trồng cũng như cách thức trồng sao cho phù hợp.

A.Phân loại cỏ

1.Cỏ nhung Nhật
trong-co-3Tên thường gọi: Cỏ nhung, cỏ nhung Nhật
Tên khoa học: Zoysia japonoca
Họ thực vật: Poaceaa (họ Hòa thảo)
Cỏ nhung nhật có thân rất nhỏ và ngắn, cành và nhánh thường bò sát đất. Lá cỏ nhung hình kim, mọc so le xếp 2 dãy theo thân dài từ 3-5cm.
Tốc độ sinh trưởng: chậm
Cây cần nhiều ánh sáng. Có thể chịu được lạnh và thiếu nước vào mùa đông. Sức đề kháng cao, khả năng chống chọi với các loại sâu bệnh tốt. Phát triển rất tốt vào mùa hè, phù hợp với khí hậu nước ta.

2.Cỏ lông heo
trong-co-4
Tên thường gọi: Cỏ lông heo
Tên khoa học: Zoysia Tenuifolia
Họ thực vật: Poaceaa (họ Hòa thảo)
Cỏ lông heo là một loại cỏ có kết cấu rất tốt, màu xanh lá cây tối màu. Cỏ lông heo có thân nhỏ và ngắn, bò sát mặt đất. Cỏ lông heo có phiến lá cứng và ngắn dài 5 cm, lá hình kim. Lá mọc so le, xếp thành 2 dãy theo thân dài 5 – 10 cm.
Tốc độ sinh trưởng: nhanh
Là loại cây ưa sáng. Thích hợp trồng những nơi ẩm ướt nhưng thoát nước tốt.

3.Cỏ lá gừng
trong-co-5
Tên thường  gọi: Cỏ Lá Gừng
Tên khoa học là: Axonopus Compressus
Họ thực vật: Poaceae (họ Hòa thảo)
Cây cỏ lá gừng có thân bò và thân rễ lâu năm, với các lóng thân nhẵn, lát cắt hình bầu dục dài 3 – 3.5 cm và các đốt có lông; tạo thành những tấm thảm cỏ dày đặc với tán lá cao 15 – 20 cm và cành mang hoa cao 30 – 45 cm (-60 cm).
Tốc độ sinh trưởng: nhanh
Cỏ là gừng là cây ưa nắng hoặc chịu bóng bán phần, chịu nóng, hạn tốt, nhu cầu nước trung bình. Thích nghi tốt trên hầu hết các loại đất. Nhân giống từ hạt, giâm cành hoặc tách bụi.

4.Cỏ xuyến chi
trong-co-6
Tên thường gọi: Cỏ Xuyến chi, cây cúc Xuyến chi
Tên khoa học: Wedelia trilobata
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc)
Cỏ xuyến chi mọc thành thảm cây thấp lâu năm với thân tròn và phát triển đến độ cao khoảng 10 cm.
Tốc độ sinh trưởng: nhanh
Cỏ xuyến chi cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, ưa khí hậu khô thoáng, nhiều nắng, nhu cầu nước thấp. Dễ nhân giống từ các đoạn thân, cành.

5.Cỏ đậu phộng
trong-co-7
Tên thường gọi: Cỏ lạc, cỏ đậu, cỏ đậu phộng
Tên khoa học: Arachis pintoi
Họ thực vật: Fabaceae (Đậu)
Cây cỏ lạc là cây thân bò lâu năm phát triển rễ cái mạnh trên thân và tạo thành một thảm dày với thân rễ sâu đến 20 cm. Những thân cây thoạt đầu nằm úp sau đó mọc lên cao đến 20 cm.
Tốc độ sinh trưởng: Nhanh.
Cỏ đậu phộng là cây đa tác dụng: vừa giúp cải tạo đất, vừa làm phân xanh và thức ăn cho gia súc. Cỏ đậu phộng luôn luôn xanh tốt, ra hoa màu vàng quanh năm nên có thể trồng làm thảm trang trí ở các công viên, đường phố, công sở… vừa có tác dụng tạo cảnh quan đẹp, vừa để bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt.

B. Sử dụng cỏ trong thiết kế cảnh quan (theo khu vực cụ thể)

Khu vực sân vườn ngay mặt tiền nhà là nơi quan trọng, thường là nơi tổ chực tiểu cảnh để nhấn mạnh cái nhìn ngay lối vào, bên dưới tiểu cảnh, dưới tán cây lớn thường là thảm cỏ xanh mát, có thể là cỏ lông heo, cỏ nhung, cỏ lá gừng.

Sân nhà theo phong cách hiện đại không còn là một khoảng sân gạch hoặc bê tông cứng nhắc nữa mà thường là sân lát gạch bê tông kết hợp các loại cỏ trồng theo joint 5-10cm, loại cỏ thích hợp là cỏ nhung Nhật hoặc cỏ lông heo.

Khu vực bên hông nhà thường là lối đi dạo, do diện tích không lớn và dài, hẹp nên thường chỉ nên lát đá làm đường dạo với diện tích nhỏ, phần còn lại thường trồng cỏ, có thể là cỏ lông heo hoặc cỏ lá gừng.

Đối với những biệt thự sân vườn rộng rãi, có thể tạo cả đồi cỏ, hồ nước cho khung cảnh thêm sinh động, những ngọn đồi thoải thường được phủ những loại cỏ mịn màng như cỏ nhung, cỏ lông heo trải dài đến tận bờ hồ, và kết thúc với một mảng lớn cỏ đậu phộng, hoặc cỏ xuyến chi.

Đôi khi ta bắt gặp cỏ xuyến chi được phủ kín trong bồn cây dưới một tán cây tầm trung, làm cho tổng thể nhìn bắt mắt hơn.

C.Kĩ thuật trồng các loại cỏ trên

1.Chuẩn bị nguyên vật liệu
Mặt bằng trồng cỏ. Cỏ giống. Đất trồng. Phân bón. Dụng cụ. Nhân công.

2.Các công đoạn trồng cỏ

 

– Dọn dẹp sạch sẽ mặt bằng trồng cỏ. Dùng cuốc xẻng xới cho tơi đất, dọn sạch các loại đá, hồ, bê tông, rác rến còn lẫn trong đất, sao cho đất trồng cỏ phải thật sạch. Độ sâu cần thiết đủ để trồng cỏ cần làm sạch khoảng 10-20cm.
– Cho phân đất trộn vào khu vực trồng cỏ, độ dày 2-4cm.
– Trồng cỏ:
+ Cỏ nhung, cỏ lông heo: Xé cỏ ra thành từng mảnh vừa phải rồi trồng vào chỗ đất đã chuẩn bị.
+ Cỏ lá gừng, xuyến chi, đậu phộng: trồng thành từng cụm cách nhau vừa phải 10 – 20cm.
– Dùng đầm đầm chặt cỏ xuống đất.
– Tưới nước cho ướt đều cả khu vực trồng cỏ.
– Thu dọn và vệ sinh sạch sẽ.

3. Chăm sóc cỏ sau khi trồng

– Trong vòng một tháng sau khi mới trồng chúng ta không nên bón phân mà chỉ cần tưới nước cho cỏ đầy đủ 1 -2 lần/ngày. Nếu phát hiện sâu bọ hại cỏ phải phun thuốc diệt trừ ngay.
– Sau 1 tháng nên dùng máy xén cỏ cho đều. Đồng thời bón phân Ure để thúc cho cỏ phát triển.
– Khi cỏ đã lên đẹp, vẫn phải duy trì nước tưới mỗi ngày 1 lần. Xén cỏ và bón phân định kỳ hàng tháng. Chú ý diệt trừ sâu bệnh nếu có.

Để lại một bình luận